Bạch hầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tim, thận và hệ thần kinh, có thể dẫn đến tử vong.
Ngày 5/7 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Đến ngày 7/7, tại huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang địa phương giáp danh với tỉnh Thái Nguyên xuất hiện ca bệnh Bạch Hầu. Trước nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế Thái Nguyên đã có công văn hoả tốc số 2713/SYT-NVY, ngày 8/7 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh bạch cầu gửi đến các đơn vị trực thuộc Sở y tế, các bệnh viện đóng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần triển khai thực hiện một số nội dung như tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp diễn biến nặng và tử vong; đảm bảo đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh bạch hầu và các dịch bệnh khác. Thông báo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khi có ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.
Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây
chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Củng cố đội cấp cứu cơ động trực thường trú 24/24h, sẵn sàng cấp cứu và
hỗ trợ cho tuyến dưới hoặc đơn vị khác khi có yêu cầu.
Các đơn vị y tế dự phòng phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu; tuyên truyền, vận động người dân khi có các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh bạch hầu hoặc các dịch bệnh truyền nhiễm khác cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu tại các điểm nóng,
các khu vực có nguy cơ cao, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch theo đúng
hướng dẫn của Bộ Y tế, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Rà soát các đối tượng chưa tiêm phòng vắc xin Bạch hầu để tổ chức tiêm chủng đạt tỷ lệ bao phủ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả.
Trên tinh thần bám sát vào sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện và báo cáo theo đúng quy định. Cùng với các cơ sở y tế triển khai, thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bạch hầu thì tiêm vắc xin được xem là một trong các biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi an toàn, chất lượng nhằm bảo vệ trẻ em và tạo miễn dịch cộng đồng. Những người dân khi có những triệu chứng như: đau họng, ho, khó thở, sốt, mắc chứng viêm họng giả mạc nghi ngờ bạch hầu cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc, ghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Đảm bảo vệ sinh ăn chín, uống sôi.
Cùng với sự chủ động của ngành y tế, mỗi người dân, gia đình cũng cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo để giữ gìn sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Vân Khánh