Sáng ngày 16/4/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được triển khai bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc và được truyền hình trực tiếp vào lúc 8 giờ cùng ngày trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.
Dự Hội nghị có 1,5 triệu đảng viên. Tại điểm cầu Trung ương có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại tỉnh Thái Nguyên, Hội nghị được kết nối với điểm cầu Tỉnh ủy, điểm cầu Đảng ủy UBND tỉnh, điểm cầu các đảng bộ: Ban quản lý các Khu công nghiệp, Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên.
Cán bộ, đảng viên, viên chức và người LĐ của Trung tâm KSBT tỉnh Thái Nguyên tham gia học tập trực tuyến qua kênh VTV1- Đài truyền hình Việt Nam
Hội nghị đã được nghe đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt các nội dung: “Về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 – 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 – 2030 ”.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội truyền đạt nội dung: “Về sửa đổi Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031″.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày nội dung: “ Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, sửa đổi bổ sung các quy định Điều lệ Đảng; Chỉ thị, sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”. Kế hoạch triển khai thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Tô Lâm- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh và nêu rõ 3 yêu cầu, 4 lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, đó là: Các cấp ủy đảng cần xác định quyết tâm chính trị cao nhất – đây là một cuộc cách mạng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải chỉ đạo quyết liệt, quán triệt sâu sắc để đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, từ đó tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng, hành động trong toàn Đảng.
Việc triển khai phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng cần thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội. Mỗi việc làm phải được tính toán kỹ lưỡng, gắn với các nội dung liên quan khác; đồng thời đảm bảo đúng quy định, quy trình, thủ tục và thời gian theo kế hoạch.
Các cấp ủy, địa phương cần lưu ý việc sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương là chủ trương có tầm nhìn chiến lược lâu dài với những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể. Việc xác định tên gọi, vị trí trung tâm chính trị – hành chính sau sắp xếp cần rõ ràng, thống nhất. Cấp xã cũng phải được định hướng lại trên cơ sở tiêu chí hợp lý, phù hợp với thực tiễn.
Việc triển khai chủ trương có thể tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, người dân, tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, cần thay đổi tư duy, tầm nhìn, thống nhất nhận thức, vượt lên chính mình, vượt qua tâm lý cục bộ địa phương để hướng đến tương lai.
Cần xác định rõ định hướng hệ thống chính trị sau sáp nhập. Tổng Bí thư cũng đề nghị, trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp, cần tập trung nhiều hơn nữa vào định hướng phát triển mô hình tăng trưởng mới; xây dựng tầm nhìn cho tỉnh mới, xã/phường mới sau sáp nhập, trên tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng để phát triển.
Hội nghị là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo tiền đề cho công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự Đại hội XIV của Đảng mà còn là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc quán triệt nghiêm túc, sâu sắc và triển khai quyết liệt các nội dung của Hội nghị sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tới./.
Hải Anh