Trang chủ / Tin tức - Sự kiện / Thông tin Y dược / TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH
Thông tin Y dược

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

11/04/2024 - 88 Lượt xem

Chiều 10/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đến 63 điểm cầu UBND, Sở Y tế tỉnh, Thành phố và các điểm cầu viện chuyên ngành của Bộ Y tế. Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Y tế chủ trì.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnhThái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và một số đơn vị liên quan.

Hiện nay, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh có xu hướng gia tăng.

Tổ chức Y tế thế giới gần đây đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022; khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi tăng 255% từ năm 2022 – 2023; năm 2022, toàn cầu ghi nhận hơn 62.000 ca mắc ho gà, tăng 111,5% so với năm 2021. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà tại Hà Lan, Vương quốc Anh, Philippines… Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng ở Trung và Nam Mỹ khi số ca bệnh khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Tại Việt Nam, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng chống sốt xuất huyết thu được những thành quả đáng khích lệ, các bệnh truyền nhiễm lưu hành cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, tại nước ta một số bệnh có vắc xin phòng bệnh ghi nhận rải rác các trường hợp mắc, đã bắt đầu có xu hướng tăng, bệnh sởi ghi nhận tại Hà Tĩnh, Sơn La, Cà Mau, Bình Thuận, Thanh Hóa…; bệnh ho gà ghi nhận tại Nghệ An, Hà Nội, Hồ Chí Minh. Một số bệnh lưu hành vẫn ghi nhận số mắc ở mức cao, như: Tay chân miệng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023; sốt xuất huyết hằng năm vẫn ghi nhận số mắc cao với hàng trăm nghìn trường hợp mắc, hàng chục trường hợp tử vong. Đồng thời, ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Khánh Hòa và trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2) tại tỉnh Tiền Giang.

Tại Thái Nguyên, trong năm 2023 một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng. Cụ thể như bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 415 ca, tăng 285 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng ghi nhận 501 ca, tăng 205 ca so với năm 2022; bệnh thủy đậu ghi nhận trên 750 ca,… Trong quý I/2024, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 11 ca mắc mới, tăng so với cùng kỳ năm 2023; các bệnh thủy đậu, tay chân miệng; rubella đều tăng so với cùng kỳ. Công tác tiêm chủng mở rộng đạt trên 85,6%, cao hơn so với năm 2022; quý I năm 2024 đạt 13,8%…

 Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, hiện nay, nhiều dịch bệnh mới nối, tái nổi đã xuất hiện sau dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành Y tế và các địa phương cần chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2024, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường tiêm bù, tiêm vét, giám sát dự phòng và điều trị; lập dự kiến nhu cầu vắc-xin tổng hợp nhu cầu gửi Bộ Y tế trước ngày 30/6. Bộ trưởng Đào Hồng Lan yêu cầu Bộ Y tế xây dựng kế hoạch cung ứng vắc-xin, tiêm chủng hằng năm. Các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương cho công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đảm bảo công tác hậu cần, tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát, phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn tập huấn chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật, nhất là công tác xét nghiệm với y tế địa phương; tăng cường hỗ trợ nâng cao chất lượng, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc-xin phòng bệnh như bệnh dại, sởi, bạch cầu; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, dự báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh mới phát sinh để chủ động tham mưu trong công tác chỉ đạo, điều hành. Các địa phương cần báo cáo những khó khăn, vướng mắc để ngành Y tế có hướng tháo gỡ kịp thời. Cục Y tế dự phòng đôn đốc triển khai các hoạt động tiêm chủng, tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Vân Khánh – Nông Thủy