Trang chủ / Tin tức - Sự kiện / Thông tin Y dược / Tác dụng của muối I – ốt với cơ thể con người
Thông tin Y dược

Tác dụng của muối I – ốt với cơ thể con người

11/12/2023 - 72 Lượt xem

     Bướu cổ là dấu hiệu nhận biết tốt nhất của sự thiếu i-ốt. Đó là tình trạng thiếu hormone tuyến giáp, mà hậu quả nghiêm trọng nhất là bệnh đần độn – chậm phát triển trí tuệ nặng. Tuy nhiên các vùng thiếu i-ốt nhẹ cũng gây ra mức độ nhẹ hơn về chậm phát triển trí tuệ. Bên cạnh đó I-ốt đặc biệt quan trọng với phụ nữ khi mang thai. Tác dụng quan trọng nhất của hormone giáp là ở thời kỳ bào thai và trẻ nhỏ. Ở giai đoạn đầu của thời kỳ bào thai, hormone giáp từ mẹ sang con có vai trò quan trọng trong việc phát triển, trưởng thành của bào thai, hệ dưới đồi – yên – giáp của thai. Thiếu i-ốt trong giai đoạn bào thai sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai, băng huyết, tử vong chu sinh, sơ sinh và trẻ em mắc các khuyết tật bẩm sinh nhưng trên hết là ảnh hưởng xấu đến não bộ. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm đối với tình trạng thiếu i-ốt. Trong vùng không thiếu i-ốt, tỷ lệ thiểu năng giáp sơ sinh khoảng 1/3.000-1/4.000 trẻ. Tỷ lệ này tăng dần theo mức độ thiếu i-ốt và lên tới 10 – 15% số trẻ sơ  sinh ở vùng thiếu i-ốt nặng. Phát hiện thiểu năng giáp sơ sinh thường gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng phát triển từ từ.  Để phòng chống rối loạn do thiếu muối I ốt từ đầu năm đến nay tỉnh Thái Nguyên đã tập huấn 01 lớp kỹ năng giám sát thường quy chất lượng muối I-ốt, điều tra tại hộ nhà dân cho 50 học viên là cán bộ y tế cơ sở của 36 xã chọn giám sát, đạt chỉ tiêu được giao; Công tác giám sát ngoại kiểm muối I-ốt tại cơ sở sản xuất được thực hiện trong tháng 6/2018, lấy 64 mẫu kiểm nghiệm, đạt 8,3% kế hoạch, kết quả xét nghiệm 100% số mẫu muối đạt tiêu chuẩn phòng bệnh.  Bên cạnh đó Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã giám sát muối I-ốt tại hộ gia đình ở 36 xã, lấy 540 mẫu muối và 144 mẫu nước tiểu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm 540 mẫu muối I-ốt hộ gia đình: 229 mẫu đạt tiêu chuẩn phòng bệnh, đạt tỷ lệ 42,4%.

Cùng với đó,  mỗi ngày cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng i-ốt rất nhỏ khoảng 150- 200mcg, thế nhưng nếu cơ thể bị thiếu i-ốt sẽ gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe, gọi chung là các rối loạn do thiếu i-ốt. Để phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt thì mọi người cần phải thường xuyên dùng muối i-ốt thay cho muối thường. Việc sử dụng muối i-ốt phải liên tục và suốt đời. Vì nếu ngưng sử dụng thì cơ thể sẽ thiếu i-ốt trở lại. Tất cả các rối loạn do thiếu hụt i-ốt, kể cả bệnh đần độn hoàn toàn có thể dự phòng được bằng cách cung cấp i-ốt cho cơ thể hàng ngày. Trong đó, biện pháp tiện lợi và rẻ tiền nhất là dùng muối i-ốt đều đặn trong khẩu phần ăn của mỗi gia đình.
       Thực tế, số người  bệnh bướu cổ tại tỉnh Thái Nguyên còn khá đông, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh. Nhiều người bệnh do hoàn cảnh gia đình khó khăn, do thiếu quan tâm đến sức khỏe, và có thể do thiếu kiến thức về y tế, họ đã không được điều trị tích cực. Tình trạng chữa bệnh bướu cổ theo phương pháp dân gian, không đúng thầy đúng thuốc còn phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, mọi người người cần tạo thói quen mua và sử dụng muối ăn có chứa I – ốt trong bữa ăn hàng ngày, đồng thời tuyên truyền cho người khác hiểu về lợi ích của việc dùng muối I- ốt. Từ đó, người dân có được ý thức phòng bệnh – đó là điều kiện để việc phòng bệnh bướu cổ đạt được mục tiêu đề ra, thanh toán hoàn toàn và bền vững các rối loạn do thiếu I – ốt trong thời gian tới.
 
 
Ảnh: Xét nghiệm xác định hàm lượng i ốt trong muối và nước tiểu tại khoa xét nghiệm trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên